Tin tức

KHAI THÁC HIỆU QUẢ NỘI LỰC TẠO ĐỘT PHÁ CHO KINH TẾ 2024

Năm 2024 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá hướng đích của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Dù các nhận định đang theo chiều hướng lạc quan song để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế còn rất nhiều thách thức. Vì thế, cần khai thác hiệu quả nội lực, biến điều đó thành động lực thực sự cho tăng trưởng

2024 là năm phục hồi kinh tế

Năm 2024, nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ phục hồi tăng trưởng và có các cuộc “hạ cánh mềm”, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức.

“Trước bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam với độ mở lớn chắc chắn sẽ chịu tác động trực tiếp. Tuy nhiên, với sức chống chịu mạnh mẽ, mức tăng trưởng năm 2023 đạt 5,05%, Việt Nam tiếp tục trở thành điểm sáng tăng trưởng của khu vực và thế giới. Đây được xem là một tín hiệu tốt so với các nền kinh tế có độ mở lớn theo hướng xuất khẩu như Thái Lan, Malaysia…”, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam nhận định.

Trong khi dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới và các nền kinh tế lớn được đưa ra thận trọng và giảm hơn so với 2023, Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 là 6-6,5%. Nền kinh tế năm 2024 được kỳ vọng sẽ có sự khởi sắc nhờ nền tảng từ năm 2023 cũng như các chính sách và giải pháp từ Chính phủ, bộ, ngành đối với các thị trường tài chính, ngân hàng, trái phiếu, bất động sản.

Bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu của Quỹ đầu tư Dragon Capital đánh giá, thế giới đã trải qua chu kỳ giảm hàng tồn kho. Theo dõi của Dragon Capital cho thấy, chỉ số hàng tồn kho nhà sản xuất châu Âu và châu Mỹ; chỉ số hàng tồn kho nhà bán lẻ trên toàn cầu đã trở về mức bền vững. Từ đó có thể kỳ vọng đáy nền sản xuất Việt Nam đã qua và năm 2024 là năm phục hồi kinh tế.

“Xu thế dòng tiền cả từ đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, cũng như đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 sẽ mạnh mẽ và rõ ràng hơn. Với khu vực xuất khẩu, vùng đáy xuất khẩu đã qua, chúng ta bắt đầu chu kỳ hồi phục mới. Đầu tư công là động lực và niềm tin cho doanh nghiệp đầu tư trở lại. Do đó, Chính phủ đã rất quyết đoán đẩy mạnh đầu tư công. Còn tiêu dùng, có thể phải đợi độ trễ của mặt bằng lãi suất nên nửa sau của năm 2024 thì sẽ có phục hồi tích cực hơn”, bà Đặng Nguyệt Minh cho biết thêm.

Còn theo bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy đầu tư tư nhân đang ở mức rất thấp. Cùng với đó là xu hướng chững lại trong chi tiêu của người tiêu dùng. Đây là những yếu tố cần thời gian để phục hồi. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần có nhiều chính sách để hỗ trợ các lĩnh vực này.

Cũng theo bà Dorsati Madani, Việt Nam cần thay đổi để phục hồi kinh tế tư nhân, cùng với đó dần phục hồi chi tiêu tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, bên cạnh giao thương quốc tế, thương mại nội địa cũng phải được thúc đẩy. Thời gian tới, giá cả hàng hóa có thể sẽ không tăng, thậm chí giá một số mặt hàng sẽ giảm và lạm phát tại Việt Nam cũng như trên thế giới sẽ giảm. Đây là các yếu tố sẽ thay đổi triển vọng kinh tế Việt Nam và thế giới.

Tận dụng cơ hội để tạo ra đột phá mới

Theo ông Andrea Coppola, chuyên gia kinh tế trưởng, WB tại Việt Nam, do tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục chậm lại vào năm 2024, mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% năm sau sẽ rất thách thức. “Triển vọng về nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam có thể dần được cải thiện, còn tiêu dùng và đầu tư trong nước tăng tốc mạnh hơn nữa. Việt Nam cần tiếp tục gia hạn thêm các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, thông qua chính sách tài khóa, bằng cách đẩy nhanh tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng và các dự án đầu tư công, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn”, ông Coppola nhận định.

Đánh giá về những cơ hội cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2024, GS.TS. Hoàng Văn Cường, đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội mới, nhưng trong bối cảnh chỉ trông chờ vào kinh tế thế giới, hay nguồn lực xuất khẩu thì khó có thể vượt lên để đi ngược lại so với xu thế chung. Vì thế, cần khai thác hiệu quả nội lực, làm thế nào biến điều đó thành động lực thực sự cho tăng trưởng để vươn lên. Đồng thời, cần có hành động cụ thể nhằm “chớp” được các cơ hội rất lớn đang mở ra, đơn cử về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số… Những yếu tố này sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản về cấu trúc của nền kinh tế.

Trong các động lực tăng trưởng quan trọng, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng không thể không nhắc đến gần đây chúng ta đang thấy rõ quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về tập trung các nỗ lực, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, với quyết tâm tạo ra bước phát triển mới trong năm 2024.

“Năm 2024 có lẽ là năm cơ hội hiếm có không lặp lại nếu các nhà đầu tư không tranh thủ để chớp lấy. Nếu không chúng ta có thể đánh mất cơ hội, các nhà đầu tư sẽ không chuyển đổi được vào các ngành sản xuất, chuỗi cung ứng giá trị cao. Điều này tôi cho rằng rất cần sự hành động từ Chính phủ cho đến các doanh nghiệp và các nhà đầu tư”, GS.TS. Hoàng Văn Cường khẳng định.

Một yếu tố quan trọng khác cũng được GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng cần lưu tâm là thúc đẩy tiêu dùng nội địa trong nước. Việt Nam đang có một thị trường tiêu dùng nội địa 100 triệu dân không hề nhỏ. Điều này tạo cơ hội về nguồn lực, đặc biệt cơ hội về hội nhập ngày càng tăng lên.

 

(Link bài viết gốc: https://haiquanonline.com.vn/khai-thac-hieu-qua-noi-luc-tao-dot-pha-cho-kinh-te-2024-182450.html)

(Nguồn tin: haiquanonline.com.vn/)